Borobudur là một trong những di tích phật giáo lớn nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Công trình được xây dựng từ năm 760 đến năm 825 sau Công nguyên dưới vương triều Sailendra. Trong suốt thế kỉ 14, Hồi giáo trở nên phổ biến ở Indonesia, Phật giáo và Ấn Độ giáo suy tàn nên công trình đã bị bỏ hoang trong nhiều thế kỉ.
Borobudur nằm cách thành phố Yogyakarta 42km về phía Bắc, nằm tại trung tâm của đảo Java, Indonesia.
Năm 1814, thống đốc Thomas Raffles được người bản địa chỉ điểm vị trí đền Borobudur, kể từ đó thế giới mới biết đến sự tồn tại của công trình. Ngôi đền đã trải qua nhiều đợt trùng tu, lần đại trung tu được thực hiện bởi chính phủ Indonesia và UNESCO từ năm 1975 đến 1982, với nhiều nhà phục chế có tên tuổi đến từ nhiều nước khác nhau đã tiến hành trùng tu công trình. Sau đó, đền Borobudur được ghi tên vào danh sách di sản thế giới.

Ngôi đền được xây dựng từ 300 nghìn viên đá xếp thành trên diện tích hình vuông rộng 2500 m². Đền cao 42 m, tầng đế có chiều dài mỗi mặt là 123 m. Phần thân là 6 tầng hình vuông cắt góc mỗi cạnh lần lượt là 120, 89, 69, 61, 54, 58m. Ba tầng còn lại hình bầu dục có đường kính lần lượt là 51, 38, 26m

Đền Borobudur xây dựng trên một ngọn đồi và tuân theo bố cục của Mandala đại diện cho vũ trụ quan Phật Giáo, bao gồm 12 tầng và được phân chia thành 3 phần:
- 3 tầng trên được gọi là Arupadhatu (Vô sắc giới)
- 6 tầng dưới được gọi là Rupadhatu (Sắc giới)
- Cấu trúc tầng đế cùng được phát hiện vào năm 1885 và nó được gọi là Kamadhatu (Dục giới)

Bố cục kiến trúc với phần bảo tháp lớn nhất được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất của ngôi đền. Hệ thống cầu thang xuyên suốt, bố trí tại 4 hướng Đông – Bắc – Tây – Nam quy tụ về bảo tháp trung tâm.
Năm 1977, một giáo sư trong khi nghiên cứu về chiều cao của cấu trúc công trình đã tìm ra tỷ lệ 4:6:9 tương ứng với 3 phần của ngôi đền. Điều đặc biệt là tỷ lệ này cũng được tìm thấy ở các ngôi đền Pawon, Mendut và quần thể Angkor Wat ở Campuchia.
Nhà nghiên cứu Mark Long, người chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa lịch – thiên văn – vũ trụ ở đền Borobudur, dựa trên các khảo sát mà ông đã thực hiện và đưa ra kết luận tỷ lệ 4:6:9 cũng đúng với chiều rộng của công trình.


Theo lịch sử ghi lại Gunadharma là kiến trúc sư thiết kế ngôi đền Borobudur, ông đã sử dụng đơn vị đo lường Tala là khoảng cách 1 gang tay được tính từ ngón cái tới ngón út. một hệ thống đơn vị cũng được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ.

Mark Long đã tìm ra đơn vị Tala được sử dụng tương ứng với 229 mm. Dựa trên các phép đo của mình, ông đưa ra kết luận kích thước tổng thể ngôi đền tượng trưng cho các sự kiện quan trọng trong lịch Hindu, cụ thể là Vatsu Purusha Mandala.






Tham khảo:
- architecturalmoleskine.blogspot.com
- vi.wikipedia.org