Kiến Trúc Dinh Toàn Quyền Đông Dương

1 Bình luận 749 Lượt xem Donate

Giới Thiệu Dinh Toàn Quyền Đông Dương

Dinh toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général d’Indochine) là cơ quan đứng đầu bộ máy cai trị của Pháp tại Đông Dương. Công trình nằm giáp phố Hùng Vương ( trước kia là đại lộ Brière de l’Isle) và đường Hoàng Hoa Thám (trước kia là đê Parreau), công trình được xây dựng trong khuôn viên vườn Bách thảo.

Công trình do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, được xây dựng từ năm 1901-1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm và quyền lực.

Dinh toàn quyền Đông Dương ngày nay được gọi với cái tên Phủ Chủ Tịch là nơi làm việc của Chủ tịch nước, phó Chủ tịch nước, nơi diễn ra lễ đón tiếp các nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam.

Lịch Sử Hình Thành Dinh Toàn Quyền Đông Dương

Ban đầu, chính quyền Pháp dự định xây Dinh toàn quyền trên một khu đất ở phố Ngô Quyền (đường Henri Rivière), nhưng khu đất này không đủ rộng để xây dựng một công trình bề thế, hoành tráng, phô diễn kiến trúc cổ điển Pháp và thể hiện quyền lực. Về sau, khu đất này được xây dựng Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (nay là Bộ LĐ-TB-XH).

năm 1897, Khi công việc phá dỡ tường thành Hà Nội hoàn thành. Chính quyền Pháp quyết định lấy một phần đất phía tây bắc thành và một phần đất của Vườn thực vật (nay là vườn Bách thảo) để xây dựng Dinh toàn quyền. Quy hoạch Dinh toàn quyền được thiết kế bở KTS người Pháp gốc Nga Vladimir de Gontcharoff trên khu đất rộng 12.000 m2 với một tòa nhà chính và các công trình phụ. KTS Henry Vildieu đảm nhiệm thiết kế tổng thể và vẽ phối cảnh dựa trên tinh thần tân cổ điển.

Năm 1899, bản thiết kế hoàn thành, Dinh chính cao 4 tầng gồm: tầng hầm, tầng trệt và 2 tầng gác.

Tổng chi phí cho công trình (kể cả những lần sửa chữa) là 1.228.386 đồng Đông Dương.

Kiến Trúc Dinh Toàn Quyền Đông Dương

Dinh toàn quyền Đông Dương gồm 4 tầng:

  • Tầng hầm là nơi bố trí các phòng kho & phụ trợ gồm 11 phòng dùng làm nơi để lương thực, phòng bếp, phòng kỹ thuật điện, phòng máy bơm nước và phòng lưu trữ công văn.
  • Tầng trệt có 10 phòng chính trong đó phòng khánh tiết của hội đồng cấp cao Đông Dương được đặt ở vị trí trung tâm trang trọng nhất, xung quang là các phòng của sĩ quan tùy tùng, phòng làm việc và phòng của nhân viên phục vụ.
  • Tầng 2 gồm 9 phòng chính, 1 phòng làm việc của Toàn quyền Đông Dương, phòng họp, 2 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 phòng ăn cùng các phòng làm việc.
  • Tầng 3 là nơi sinh hoạt của gia đình viên Toàn quyền.

Mặt bằng công trình vuông vắn theo kiểu Palladio thời Phục hưng, với lối vào từ 3 phía mang tính đối xứng nghiêm ngặt. Phía trước sảnh chính là một cầu thang lớn xây bằng đá kết nối sân trước với sảnh chính của tầng 1 làm tăng tính hoành tráng của công trình. Cầu thang tiếp cận ở 2 phía còn lại nhỏ gọn hơn nhưng vẫn được thiết kế theo hình thức đậm chất Cổ điển.

Nhìn chung thiết kế của KTS. Charles Lichtenfelder dựa trên nền tảng của sự đăng đối trong việc bố trí các không gian, vị trí, hình thức trong và ngoài nhà… tổng thể là sự hài hòa theo tinh thần Tân cổ điển.

Nội thất được bài trí theo phong cách vương giả, cầu kỳ gồm các chi tiết thời Louis XV, Phục Hưng hay Đế chế Pháp. Tùy vào mỗi lần thay đổi Toàn quyền, người kế nhiệm lại thay đổi, trang trí theo ý thích riêng mà bên trong công trình lại được sửa chữa, tu bổ nên nội thất công trình phần nào mang tính Triết chung.

Mặt chính công trình cho thấy ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Palladio với sự tuân thủ nhịp điệu đặc – rỗng – đặc và các hàng cột thức cổ điển giàu tính trang trí.

Toàn bộ công trình được đặt trên một tầng đế vững trãi. Mặt nhà chia thành 3 phần rõ rệt theo phương đứng. Khối ở giữa lùi về phía sau mang tính rỗng, được trang trí bằng các hàng cột La Mã, tầng 1 dùng thức Doric mạnh mẽ, tầng 2 dùng thức Ionic nhẹ nhàng, giữa hàng cột là các cửa theo kiểu cuốn vòm. Tầng kết thúc sử dụng các ô cửa hình vuông phía dưới diềm mái được trang trí rất tinh tế. Hai khối hai bên tiến ra phía trước (avantcorps) mang tính đặc với hai hàng cửa có tương quan diện tích tương đối nhỏ so với mặt tường nhưng được trang trí cầu kỳ, hai phía cửa đều được nhấn bởi các thức cột, tầng dưới thức Doric, tầng trên thức Ionic, kết thúc phía trên bằng hình thức đầu hồi xếp chồng lên nhau theo kiểu Baroque.

Các mặt bên không sử dụng thức cột cổ điển nhưng vẫn tuân thủ tính đối xứng nghiêm ngặt. Tầng trệt và tầng 3 vẫn tuân thủ quy luật bố trí cửa trên mặt chính với diện tích mở cửa nhỏ, khu vực giữa tầng một là hệ 5 cửa sổ và cửa đi cấu tạo kiểu vòm cuốn, phía trên có các hoa văn trang trí hình hoa lá đắp nổi, tầng 2 là các cửa chữ nhật kiểu Corinth có ban công chạy dài suốt khu vực giữa nhà. Khối kết thúc hai phía mặt bên có các cặp cửa cuốn kép ở tầng 1, tầng 2 có ban công nhỏ ở giữa là cửa đi được trang trí cầu kỳ bởi các cột nhỏ theo thức Ionic, phía trên là một vòm trang trí.

Mặt sau nhà là thể hiện lặp lại theo quy luật của mặt chính nhưng ở mức độ đơn giản hơn nhiều về tính trang trí. Nét nổi bật ở đây là hệ cột Corinth La Mã có độ cao vượt suốt hai tầng nhà, phía dưới là ba cửa cuốn vòm, tương ứng với ba cửa chữ nhật kiểu Corinth ở phía trên. Kết thúc hai phía cũng là những khối đặc nhô ra với ban công và cửa đi cuốn vòm ở tầng 1, ban công nhỏ cùng cửa đi được trang trí thống nhất với mặt bên ở tầng 2.

Bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc tổ chức không gian mặt đứng thời Phục hưng hậu kỳ, các chi tiết trang trí trên mặt đứng cho thấy công trình còn mang ảnh hưởng của phong cách Baroque với những đường cong uốn lượn, các đầu hồi xếp chồng lên nhau cùng các cửa mắt bò (oeil de boeuf). Chính sự pha trộn này cũng làm tăng thêm nét duyên dáng của công trình.

Cổng chính được làm bằng thép trang trí theo phong cách thời Phục Hưng, các chi tiết được liên kết khá cầu kỳ bằng đinh tán, vọng gác hai bên được xây dựng cũng khá cầu kỳ, các diện tường chạy gờ chỉ ngang bên dưới đầu hồi càng làm tăng vẻ tráng lệ mà nghiêm trang của công trình mang tính cường quyền này.

Vật liệu xây dựng công trình đều là những loại đặc biệt như gỗ thông nhập từ Bắc Mỹ, Na Uy, xi măng Portland, thép, gang, tôn, kính, sơn đều đặt mua mang từ Pháp, chỉ có cát, đá, sỏi và vôi là lấy sẵn ở địa phương. Các chi tiết xây dựng đều được thực hiện khá tỉ mỉ và cẩn thận.

Tham khảo: ashui.com

Ủng hộ tác giả

Cảm ơn bạn đã đồng hành!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

1 Bình luận

D Change 16/11/2023 - 2:31 PM

Hey there! I could have sworn I’ve been to this site before but after reading through
some of the post I realized it’s new to me. Anyhow, I’m definitely happy I found it and I’ll
be book-marking and checking back frequently!

Trả lời

Để lại một bình luận

Blog kiến trúc sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Chúc bạn một ngày vui vẻ! ĐỒNG Ý

DMCA.com Protection Status