Kiến trúc nhà Rường Huế

0 Bình luận 825 Lượt xem Donate

Giới Thiệu Nhà Rường Huế

Nhà Rường Huế ra đời vào khoảng thế kỷ 17, trong thời kỳ phong kiến Việt Nam. Nhà Rường được xây dựng trong một tổng thể rộng rãi, với khuôn viên cây xanh xung quanh chiếm phần lớn diện tích. Công trình đặt ở trung tâm là một tổ hợp nhà chính, nhà phụ, am miếu, bình phong, cổng vào, đôi khi có cả mồ mả của tổ tiên hay người thân trong gia đình.

Công trình nhà Rường thường được bố trí theo kiểu chữ “Đinh”, chữ “Công”, chữ “Khẩu”, hay “Nội công ngoại quốc”. Các kiểu bố trí thể hiện tính khép kín, hướng nội, trong đó nhà chính luôn chiếm vị trí trung tâm.

Cấu Tạo Nhà Rường Huế

Cấu trúc không gian nhà Rường Huế đa dạng phụ thuộc vào nhu cầu và kinh tế của chủ ngôi nhà. Một số cấu trúc thường thấy như: nhà một gian, nhà 1 gian 2 chái, nhà 3 gian, nhà 3 gian 2 chái, nhà 5 gian… Các vật liệu thường được sử dụng như: gỗ, tre, mái tranh, mái lá, mái ngói…

Kết cấu khung gỗ hay bộ giàn trò là thành phần quan trọng nhất của ngôi nhà. Đây là hệ kết cấu gồm các cấu kiện cột – kèo – xuyên – trến – xà – đòn tay được liên kết với nhau bằng mộng, tạo nên bộ khung vững chắc linh hoạt trong quá trình lắp ghép và tháo dỡ.

Toàn bộ công trình được đặt trên nền đất cao, để bảo vệ hệ kết cấu gỗ người ta sử dụng đá tảng được trạm khắc công phu hình vuông, chữ nhật, tròn… kê dưới chân cột, để chống ẩm mốc, và trang trí cho công trình.

Nền nhà đắp bằng đất tự nhiên trọn với vôi, tro để chống mối, chống ẩm và được đầm chặt nhiều lớp. Có nơi, công trình xây dựng trên nền đất yếu, người ta đã sử dụng kỹ thuật ép cọc để gia cố cho nền nhà. Mặt nền nhà thì lát gạch Bát Tràng, gạch hoa tráng men hoặc sử dụng nền đất đầm chặt. Xung quanh nền nhà được bó vỉa bằng đá thanh, đá cẩm thạch; người bình thường thì dùng đá tổ ong, đá núi hay gạch vồ để bó vỉa.

Nhà rường thường có 4 mái, lợp bằng ngói âm dương, ngói liệt hoặc lợp tranh. Hệ thống mái có độ dốc lớn để phù hợp với lượng mưa lớn. Mái được lợp rất dày để chống nóng, và tăng tải trọng giúp cố định ngôi nhà chống trọi với thời tiết mùa mưa bão.

Để xây dựng một ngôi nhà Rường trước tiên phải xác định được điểm trung tâm (người Huế gọi là điểm Giáp Chuông). Đây là điểm giao nhau giữa hai đường tim nhà (theo trục Bắc-Nam và trục Đông-Tây). Từ điểm này người ta xác định ra các phía Tiền (phía trước, được xem là phía Nam), Hậu (phía sau, phía Bắc), Tả (bên trái, phía Đông) và Hữu (bên phải, phía Tây). Các cấu kiện thuộc bộ giàn trò, gồm cả cột, kèo, xuyên, trến, xà… đều được định vị theo nguyên tắc này.

Không gian sử dụng của nhà rường thường được chia thành 4 phần chính có vách gỗ ngăn riêng:

  • Gian giữa dành cho việc tiếp khách (phía ngoài) và thờ cúng Thần Phật, tổ tiên (phía trong);
  • buồng phía Đông (Đông phòng) dành cho gia chủ (nam giới);
  • buồng phía Tây dành cho mẹ hoặc vợ của gia chủ (nữ giới);
  • phần phía sau nối suốt từ phía Đông qua phía Tây (gọi là Hậu liêu) thì dành làm phòng ngủ cho con cái hoặc làm kho.

Có một không gian thứ 5 cũng rất quan trọng trong ngôi nhà rường là cái Tra (hay Rầm Thượng). Đây là một cái kho đóng kín bằng ván, được đặt ngay trên trần nhà của gian giữa hoặc chạy suốt cả các gian. Tất cả lương thực hay của cải quý giá của gia đình đều được cất trong chiếc kho này. Ở những vùng thấp trũng, cái Tra còn là nơi để cả gia đình nương náu trong những ngày lũ lụt.

Gỗ là vật liệu chính sử dụng cho nhà Rường. Người Huế thường ưa chuộng nhất là các loại mít, gõ làm cột, kiền kiền, chua, huỷnh làm hệ khung mái. Gỗ làm nhà phải để thật khô để khỏi cong vênh. Các vật liệu khác như đá, ngói lợp, gạch xây, gạch lát cũng được chọn lựa cẩn thận.

Quy Trình Xây Dựng Nhà Rường Huế

Đầu tiên là lễ Phạt Mộc tức lễ đẽo gỗ để chuẩn bị dựng nhà. Sau vài nhát đẽo, người thợ cả sẽ làm một cây thước chuẩn (con cán) để dùng làm nhà và tu sửa nhà sau này.

Các nghi lễ diễn ra trong quá trình dựng nhà:

  • Lễ Động Thổ để lễ cáo với thổ thần, chính thức khởi công công trình.
  • Lễ Thượng Trụ để dựng bộ vì đầu tiên của ngôi nhà
  • Lễ Thượng Lương để đặt đòn Đông
  • Lễ Gài Nóc để bắt đầu lợp mái công trình…

Các nghi lễ sau khi ngôi nhà hoàn thiện:

  • Lễ Tống Mộc để xua đuổi ma quỷ tránh xa khỏi bộ giàn trò
  • Lễ Nhập Trạch để xin phép thổ thần cho gia chủ dọn về nhà mới
  • Lễ An Vị để cung nghinh ông bà vào nhà
  • Lễ Tân Gia để gia chủ lễ tạ các thần thánh và mời khách khứa, bạn bè mừng ngôi nhà mới.

Các công trình nhà ngang, bếp, nhà vệ sinh, bình phong, non bộ, cổng… cũng được tính toán và xây cất cẩn thận để hợp với phong thủy. Ngay cả việc chọn và bố trí cây trồng như thế nào cũng hết sức được chú trọng.

Tham khảo:

• Ashui.com

• Sách Thuật ngữ kiến trúc truyền thống nhà Rường Huế

Ủng hộ tác giả

Cảm ơn bạn đã đồng hành!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Blog kiến trúc sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Chúc bạn một ngày vui vẻ! ĐỒNG Ý

DMCA.com Protection Status