Danh mục
Lịch sử hình thành nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là một công trình Công giáo đồ sộ, có giá trị cao về mặt kiến trúc của thành phố Huế.
Ngày 5/6/1954 Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ra đời. Sau đó, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế được khởi công vào tháng 1 năm 1959 và khánh thành vào tháng 8 năm 1962 theo thiết kế của KTS. Nguyễn Mỹ Lộc. Công trình được xây dựng trên dải đất hình tam giác tiếp giáp với đường Nguyễn Huệ và đường Nguyễn khuyến. Việc thi công nhà thờ do tu sĩ Bùi Văn Khắc đảm nhận với sự hợp tác của 150 tay thợ lành nghề. Tổng kinh phí xây dựng được tính vào thời bấy giờ là 47 triệu đồng (tương đương với 15667 lượng vàng tính theo tỷ giá thời bấy giờ).
Đến nay, nhà thờ đã trải qua nhiều đợt trùng tu, sơn sửa. Lần sửa chữa đầu tiên ngay sau sự kiện Mậu Thân 1986 khi nhà thờ bị bom đạn bắn trúng và hư hại khá nhiều. Năm 1997, tường rào bao quanh Tu Viện và nhà thờ được xây dựng. Đến năm 1999, thánh đường được sơn lại mới. Vào năm 2013, nhà thờ đã được lợp lại toàn bộ ngói và hoàn thành sau gần 4 tháng thi công, với nhân lực hoàn toàn là những người trong giáo xứ, với sự tư vấn và trợ giúp của công ty xây dựng công trình công nghiệp Quốc Thái An.

Kiến trúc nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế
Tổng thể nhà thờ nhìn về hướng Đông với mặt bằng hình chữ thập Latinh, gồm một gian lớn chính giữa, hai hành lang cánh, và hậu cung hình bán nguyệt, phía trên có gác đàn, nổi bật ở giữa một tháp chuông cao vút. Mặt bằng kiến trúc chính sâu 70m, bề ngang từ 15-37m, dài 72m và sức chứa hơn 1000 người. Phía trước có tượng Chúa, toàn bộ sân được đổ nhựa. Phía sau, bên trái là hang Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng được trang trí khá giản dị và hài hoà.

Nhà thờ có kích thước tổng chiều dài và chiều rộng là 78x52m. Các không gian trong nhà thờ từ mặt chính vào lần lượt là hiên, tiền sảnh, gian chính, cung thánh và phòng thay áo phía sau cùng.

Bên trong không gian thánh đường sử dụng cấu trúc mái vòm nhọn kiểu gothic và được chiếu sáng bởi các ổ cửa kính màu cỡ lớn hình thức tháp nhọn làm cho không gian thánh đường luôn tràn ngập ánh sáng và sự uy nghiêm.
Không gian thánh đường có bảy gian chính, giữa mỗi gian đều được bố trí các cửa gỗ lớn, bên trên là các bức tranh tượng được điêu khắc tỉ mỉ, gồm 14 bức tượng trưng cho 14 chặng Đàng Thánh Giá của Chúa. Ngoài ra còn có mười hai hình Thánh Giá được chạm trên mười hai tấm cẩm thạch rất đẹp, gắn trên mười hai cột trụ, tượng trưng cho mười hai thánh Tông đồ. Dưới mỗi Thánh Giá có một đèn chầu.

Màu xanh nước biển cũng là màu tượng trưng cho Đức Mẹ, nên thánh đường này đã sử dụng tông màu xanh và trắng là chủ đạo, tạo cảm giác êm dịu, thanh bình, nhẹ nhàng như chính tấm lòng nhân từ, bao dung của Mẹ Maria.

Hai bên đầu hồi nhà thờ có hiên rộng 4m có thể sử dụng làm lối rước kiệu khi thời tiết xấu. Hành lang hai bên không gian thánh đường dài 26m và rộng 4,2m. Nhà thờ còn có gác đàn với lối đi lên ở hai bên hiên trước để dành cho ca đoàn.

Việc khai thác ánh nắng mặt trời của hai hướng Đông và Tây rất được chú trọng, ngoài việc sử dụng các ô cửa kính màu rực rỡ, đồng thời sử dụng hoa bê tông trang trí vừa lấy sáng, che mưa, che nắng còn mang giá trị thẩm kỹ về mặt kiến trúc.

Giữa cung thánh có đặt bàn thờ bằng đá cẩm thạch lấy tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), mặt bàn thờ là một khối đá nguyên (dài 3,6m; rộng 1,2m; dày 0,2m), phía trước có khắc bức họa “Bữa tiệc ly” nổi tiếng. Cạnh đó có 2 bàn thờ nhỏ thờ Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng làm bằng đá cẩm thạch.

Mặt đứng nhà thờ tuân thủ tính đối xứng, thể hiện sự trang nghiêm vững trãi, khéo léo lồng ghép những chi tiết, yếu tố truyền thống phương Đông. Yếu tố kiến trúc Á Đông được thể hiện qua hình thức mái sảnh chính và hai bên đầu hồi, với đường nét cách điệu từ hình thức mái ngói âm dương truyền thống gợi nhớ đến hình ảnh mái nhà của làng quê Việt Nam.

Mặt bên nhà thờ có những tháp nhỏ kiểu Gothic bao bọc lấy ô cửa kính màu cao vút, làm thành một quần thể kiến trúc độc đáo, ấn tượng. Dưới tầng mái cuối cùng của hàng hiên là những ô cửa đá hình vòm cung kiểu Romance. Hệ thống mái phân chia theo tầng bậc với độ dốc lớn.

Ở trung tâm nhà thờ là một ngọn tháp ba tầng mái hình bát giác có độ cao 53m. Ngọn tháp này được làm hoàn toàn bằng khung sắt và có cấu trúc tách rời với nhà thờ kiên cố bên dưới. Bên ngoài các tầng của tháp chuông được trang trí bởi những ô thông gió với những hình kỉ hà (hình chữ thập, hình tròn, tam giác,…). Ngoài ra còn có những ô hoa gió với họa tiết hoa lá.
Nhà thờ được xây bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói đất nung, các đòn tay và rui ở mái bằng gỗ, với tháp chuông bát giác bằng thép. Nhìn chung, kết cấu nhà thờ được xây dựng theo kỹ thuật hiện đại.

Vật liệu xây dựng chủ yếu là vật liệu địa phương như sắt thép được mang về từ Đà Nẵng, đá xanh được khai thác từ mỏ đá Nhà Dòng dưới Thừa Lưu, cát được mang về từ Cù Bi (sông An Lỗ bây giờ). Ngoài ra, chiếc Thánh giá gắn ở trước tiền đường, 2 bên cánh và trên đỉnh chóp của nhà thờ được làm hoàn toàn bằng thép từ xác máy bay, lấy trên núi Bạch Mã. Tuy nhiên, toàn bộ ngói của nhà thờ được nhập hoàn toàn từ Pháp.


Ở bên trong tháp có 4 quả chuông (nặng 1,5 tấn) được điều khiển bằng hệ thống điện tự động. Trước đây mỗi khi chuông nhà thờ điểm đúng 12h, hệ thống điện tự động điều khiển đàn dương cầm vang lên bài hát thánh ca và tháp chuông vang lên báo hiệu đúng 12h. Tuy nhiên hiện nay toàn bộ hệ thống điện, cây đàn vĩ cầm, cũng như bộ máy đồng hồ từ Thụy Sĩ đã không còn hoạt động, ngoại trừ hệ thống chuông được điều khiển bằng điện là còn hoạt động.