Danh mục
“Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa
Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn”
Lịch Sử Tháp Rùa
Nguồn gốc lịch sử của tháp Rùa đến ngày nay vẫn là một ẩn số. Nhiều nhà nghiên cứu, và nhiều nguồn tài liệu đã chỉ ra rằng: Khoảng năm 1877, Bá Kim (giữ chức dịch làng Tự Tháp, làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt) đã bỏ tiền xây tháp để làm “hậu chẩm” cho chùa Báo Ân nhưng thực chất là muốn táng hài cốt cha mẹ mình vào đó. Việc an táng hài cốt vào tháp Rùa không thành công, nhưng vì trót nói dối nên Bá Kim vẫn phải xây dựng tháp Rùa. Tháp nằm ở vị trí đẹp giữa hồ và nay trở thành thắng tích của Hà Nội.
Một số nguồn tư liệu nói về nguồn gốc lịch sử của tháp rùa.
Tư liệu được cho là cổ nhất tính đến thời điểm này về tháp Rùa là của Paul Bourde, phóng viên thường trú báo Le Temps tại Hà Nội. Trong cuốn Từ Paris đến Bắc Kỳ (De Paris au Tonkin – Paris, 1885), Paul Bourde mô tả tháp Rùa như sau: “Ở đằng xa trên một hòn đảo có một cái chùa khác mang hình tháp, một công trình kiến trúc ba tầng của chủ hiệu bánh người Hoa”.
Cuốn Những ngôi chùa Hà Nội (Les pagodes de Hanoi – xuất bản năm 1887) của Gustave Dumoutier (1850-1904) là tư liệu thứ hai về tháp Rùa. Tác giả viết: “Đó là một công trình bé nhỏ có nhiều tầng, các vòm cửa hình cánh cung nhọn, công trình này mới có khoảng chục năm nay. Nó được xây dựng trên vị trí một ngôi đền nhỏ trước đó thờ thần hồ. Bên trong, trên tường sơn hai chữ Vinh-Bao, là tên của viên quan đã xây công trình này. Ông ta trước đây ba năm làm Tri phủ phủ Thường Tín rồi về làm Thương biện phủ Hoài Đức, sau dính vào một vụ chính trị nên năm 1886 bị cách chức và quản thúc ở Hà Nội. Trên đỉnh công trình, một bên có chữ Vong-dinh và bên kia chữ Qui-son thap”.
Tư liệu thứ ba là một tấm bản đồ về sông hồ Hà Nội, bắt đầu vẽ từ tháng 12/1884, hoàn thành vào tháng 5/1885, không ghi ai vẽ, ngay sát tháp Rùa họ chú thích tháp Ba Kim bằng chữ Pháp.
Trong cuốn Ở Bắc Kỳ: ghi chép và kỷ niệm (Au Tonkin-notes et souvenirs – Hà Nội, 1925) của Bonnal – là công sứ đầu tiên ở Hà Nội từ năm 1883 đến năm 1885, có đoạn: “Một ngôi chùa hình bát giác không có phong cách và cũng không có giá trị đã được xây dựng cách đây vài năm bởi một người lĩnh trưng thu thuế đánh cá tên là Nguyen Huu Kiem, thường gọi là Ba Ho Kiem. Ngôi chùa xây trên địa điểm của một ngôi đền nhỏ cũ thờ vị thần hồ, chùa có tên Qui son thap”, đó là tư liệu thứ tư.
Tư liệu thứ năm là cuốn Bắc Kỳ xưa (Le vieux Tonkin) gồm hai tập, tập thứ nhất in ở Sài Gòn năm 1935 và tập thứ hai in ở Hà Nội năm 1941. Cuốn sách này do Claude Bourrin tập hợp các bài báo viết về Hà Nội từ năm 1884 đến 1894. Claude Bourrin là nhân viên thuế ở Bắc Kỳ từng sống và làm việc ở Hà Nội từ năm 1898, phần về tháp Rùa, ông viết: “Tháp Rùa chính tên là Qui son thap xây khoảng năm 1877. Theo G.Dumoutier thì do một viên quan tên là Vinh-Bao đứng xây. Theo Bonnal thì người xây là Ba Ho Kiem. Công trình này thay cho một ngôi miếu nhỏ thờ thần hồ. Vinh-Bao và Ba Ho Kiem chỉ là một người vì Ba Ho Kiem (đúng ra là Nguyen Huu Kim) cũng là một viên quan”.
Kiến Trúc Tháp Rùa
Kiến trúc tháp Rùa là sự kết hợp giữa phương Đông và Phương Tây, thể hiện ở vòm cửa theo phong cách kiến trúc Gothic tại 2 tầng dưới và nóc tháp với phần mái cong truyền thống Việt Nam.
Kiến trúc lạ mắt của tháp Rùa từng bị nhà báo Pháp – Bourde, Trần Hàm Tấn và Hoàng Đạo Thúy chê là “kiến trúc không ra lối gì”. Tuy nhiên, ngày nay không ai có thể phủ nhận chính sự kết hợp lạ lùng giữa đông – tây đã mang đến vẻ độc đáo và duy nhất cho tháp Rùa Hồ Gươm.
Phân tích tháp Rùa theo tỷ lệ vàng cho ra kết quả bất ngờ là toàn bộ tháp nằm gọn trong vòng tròn, thể hiện hình ngôi sao 5 cánh. Tháp Rùa gồm 4 tầng, xây trên gò đất rộng khoảng 350m2, càng lên cao các tầng tháp càng nhỏ dần. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra tháp được xây theo mặt bằng hình chữ nhật chứ không phải hình vuông như nhiều người tưởng.
Tầng 1 tháp Rùa dài 6,28m, rộng 1,54m. Tầng 2 dài 4,8m, rộng 3,64m. Tầng 1 và tầng 2, mỗi tầng có 14 cửa chỉ khác nhau về kích cỡ (chiều dài mở 3 cửa, chiều ngang mở 2 cửa, 4 cửa bên trong ngăn các gian với nhau), các vòm cửa nhọn đặc trưng của kiến trúc Gothic như nhà thờ Thiên chúa giáo.
Kích cỡ tầng 3 là 3 là 2,97×1,9m. Ở mặt phía đông chỉ trổ một cửa hình tròn, đường kính 0,68m. Cuối cùng là tầng đỉnh được xây theo hình vuông cạnh 2m như một vọng lâu. Trên mặt tường phía đông ở tầng đỉnh có chữ Quy Sơn Tháp, nghĩa là “Tháp Núi Rùa”
Tượng Bà đầm xòe trên đỉnh tháp Rùa, thời Pháp thuộc
Từ năm 1891-1896, một phiên bản thu nhỏ của tượng Nữ thần Tự Do đã được đặt trên đỉnh tháp Rùa ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tượng này là mẫu thu nhỏ của bức tượng tại New York, bằng đồng, do chính phủ Pháp chuyển đến Hà Nội.
Vị trí ban đầu của tượng là vườn hoa vườn hoa trung tâm gần tòa công sứ (vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay). Người dân thường gọi đây là tượng Bà đầm xòe.
Vào năm 1891, chính quyền thuộc địa đã thay vào đó tượng paul Bert – viên cai trị đầu tiên ở Đông Dương, nên đã hạ tượng Bà đầm xòe xuống và chuyển lên nóc tháp Rùa.
Đến năm 1896, Bà đầm xòe được chuyển đến vườn hoa Neyret phía Tây hồ Hoàn Kiếm – tức là vườn hoa Cửa Nam (nằm bên ngã sáu Tràng Thi, Cửa Nam, Hàng Bông ngày nay).
Đến năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp và chiếm Hà Nội, bức tượng đã bị giật đổ. Sau đó dân làng Ngũ Xã đã quyên góp mua đồng, thu nhặt lượng đồng ở bức tượng Bà đầm xòe về gom đúc thành bức tượng nặng 16 tấn, ngự trên tòa sen ở chùa Ngũ Xã.
Tham khảo: Tổng hợp