Nhà Cổ Huỳnh Thủy Lê – Kiến Trúc Đông Tây Kết Hợp

0 Bình luận 313 Lượt xem Donate

Lịch Sử Nhà Cổ Huỳnh Thủy Lê

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được bắt đầu xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ thứ 19, với địa thế trung tâm nằm ngay cạnh sông Sa Đéc. Ban đầu, đây là một ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ, với nguyên vật liệu chính là gỗ quý, và mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương. cho đến thời kỳ năm 1917 được chủ nhân tu sửa lại. Bên trong vẫn giữ màu sắc Á đông nhưng bên ngoài lại được bao gạch theo lối kiến trúc Pháp.

Nhà cổ này chính là gia sản mà ông Huỳnh đã để lại cho người con út của mình thừa kế.

Trong những năm tháng sau khi ông mất, mọi người trong gia đình không còn lưu lại ở căn nhà này nữa. Cũng đã có thời kỳ nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được sử dụng làm nơi làm việc cho một đơn vị cảnh sát ở Sa Đéc, cho đến năm 2007 được Chính quyền Đồng Tháp sử dụng vào mục đích phát triển du lịch.

Kiến Trúc Nhà Cổ Huỳnh Thủy Lê

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê Đồng Tháp với 3 gian bề thế, rộng hơn 250 m2 mang đậm chất Tây Nam Bộ, phía sau là hành lang dẫn đến 2 phòng ngủ. Vật liệu chủ yếu làm bằng gỗ và ngói nhập từ Trung Hoa về. Phần mái mềm mại đặc trưng Việt Nam được lợp ngói âm dương với 2 bên đầu cong vút. Khuôn viên trước nhà là khoảng sân vườn thoáng mát.

Mặt tiền ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê (tỉnh Đồng Tháp) thể hiện sự kết hợp của nhiều phong cách trang trí thịnh hành vào đầu thế kỷ 20.

Những họa tiết gốm nhiều màu sắc đến từ truyền thống trang trí Phúc Kiến (phía Nam Trung Hoa), phần nóc ngôi nhà cũng uốn cong theo mẫu của các hội quán Phúc Kiến. Những họa tiết truyền thống xuất hiện bên cạnh chi tiết đến từ phương Tây: trán tường kiểu swan-neck vươn lên như một đôi cánh tạo ra điểm nhấn cho ngôi nhà, cùng những trang trí cresting và bình (urn) tạo ra một bề mặt dày đặc chi tiết. Sự kết hợp các họa tiết Đông-Tây đến mức độ bão hòa như ở ngôi nhà này tiêu biểu cho xu hướng trang trí kiến trúc dân gian trong những thập niên đầu thế kỷ 20, cho đến khi được thay thế dần bằng những phong cách trang trí tinh giản hơn như Art Deco ở các thập niên 1930-40.

Nội thất với phong cách thiết kế đậm chất của người Hoa. Ở chính giữa của căn nhà là bàn thờ phụng Quan Công với một bức tượng được sơn son thếp vàng, hai bên có đôi rồng phượng chạm khắc tỉ mỉ.

Xung quanh những chi tiết trang trí khác cũng được chạm trổ hoa lá, chim muông với mong muốn đủ đầy. Đặc biệt là những chiếc sập gụ, khung bao hay đồ vật trang trí bằng gỗ đều được khảm hình tứ quý, tứ linh (lấy hình tượng con dơi thay con rùa).

Cửa sổ, cửa chính ở nhà cổ Huỳnh Thủy Lê Đồng Tháp được gắn những bức phù điêu và được thiết kế hình vòm theo phong cách Phục Hưng. Phần trần nhà cũng được làm tỉ mỉ với những chi tiết xen kẽ của 2 nền văn hóa.

Bên cạnh một số vật dụng đặc trưng của xứ Nam Kỳ, chủ nhân căn nhà đã cất công nhập từ Pháp về những miếng kính nhỏ hay từng viên gạch để xây và lát nhà. Đứng ở giữa nhà sẽ cảm giác thấp hơn những nơi khác, bởi đây là dụng ý thiết kế của ông với mong muốn gia đình sẽ luôn giàu có.

Trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê những vật dụng trang trí như: giá sách, đồng hồ, máy hát đĩa cổ, bình trà, tivi, những bức hình của gia chủ,… Hay phòng ngủ với chiếc giường từ hàng trăm năm đều còn được lưu giữ nguyên vẹn. Khẳng định vị thế kiến trúc đặc sắc của mình không chỉ tại thời điểm ra đời mà còn đến tận ngày nay.

tham khảo:

  • Tản mạn kiến trúc
  • luhanhvietnam.com.vn
  • thamhiemmekong.com

Ủng hộ tác giả

Cảm ơn bạn đã đồng hành!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Blog kiến trúc sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Chúc bạn một ngày vui vẻ! ĐỒNG Ý

DMCA.com Protection Status