Nhà Hát Lớn Hà Nội – Kiệt Tác Kiến Trúc

0 Bình luận 639 Lượt xem Donate

Nhà hát Lớn Hà Nội có tên ban đầu là Nhà hát Thành phố (Théatre municipal), khởi công năm 1901, hoàn thành năm 1911, do hai kiến trúc sư Broyer và V.Harlay thiết kế năm 1899, trong quá trình xây dựng có sự tham gia sửa chữa của kiến trúc sư F.Lagisquet. Vị trí xây dựng Nhà hát Lớn được coi là đắc địa khi án ngữ phố Paul Bert (phố Tràng Tiền ngày nay) là tuyến phố sầm uất bậc nhất Hà Nội lúc bấy giờ, mặt chính trông ra Hồ Gươm, mặt sau dựa vào khu Nhượng địa (*)­. Được lấy cảm hứng từ các công trình kiến trúc Châu Âu nổi tiếng như nhà hát Opera Paris, lâu đài Tuylory…

Công trình có chiều dài 87m, bề ngang trung bình 30m, phần đỉnh mái cao nhất 34m so với nền đường trên diện tích xây dựng khoảng 2.600m2.

Mặt chính nhà hát nổi bật với hàng cột theo thức Ionic La Mã tạo thành năm gian rỗng ở giữa và hai gian đặc ở đầu hồi, phía trên được nhấn thêm bởi mái hình chóp cong lợp ngói đá. Như vậy, những nguyên tắc kiến trúc Phục hưng dường như được nhấn mạnh ở đây. Tuy nhiên, khi đến gần công trình thì những yếu tố Baroque lại nổi bật với những đường cong uốn lượn của các ban công kết hợp với hình thức cuốn vòm phía trên lối vào, đặc biệt là các hình thức trang trí cầu kỳ là kết quả của sự kết hợp giữa các kiến trúc sư và điêu khắc gia.

Sang tới mặt bên thì các yếu tố Baroque hầu như lấn át hoàn toàn, các thức cột chỉ còn lặp lại ở bên ngoài chính sảnh, thay vào đó là các cửa sổ hình chữ nhật hay cuốn vòm, những bức tường ngập tràn các hình thức trang trí, các thanh đỡ  uốn lượn, tất cả đều giàu tính điêu khắc. Phía trên của nhà hát lại đem lại cho chúng ta cảm giác về tinh thần Tân cổ điển Pháp với bộ mái lợp ngói đá đen được tổ chức rất kỳ công với sự kết hợp của nhiều hình thức: mái hình hình chóp cong ở các điểm nhấn, mái cuốn tròn ở khu vực khán phòng và mái tam giác phía trên sân khấu, xung quanh và trên đỉnh các mái đều được nhấn thêm bởi các yếu tố điêu khắc.

Không gian Nhà hát Lớn Hà Nội được chia thành 3 phần rõ rệt: sảnh chính, phòng khánh tiết, khán phòng.

Sảnh chính với một cầu thang hình chữ T bằng đá cẩm thạch long trọng dẫn lên tầng 2, hai bên cầu thang là hai cột đèn được mạ đồng theo lối cổ, phía trên cao là đèn chùm pha lê mạ một lớp vàng tinh xảo; Kết hợp với các họa tiết trang trí tinh xảo theo phong cách tân cổ điển.

Phòng khánh tiết hay còn gọi là “phòng gương” Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, lễ ký kết các văn kiện của Chính phủ hay đón tiếp các nhân vật cao cấp. Sàn phòng gương được làm theo kỹ thuật Mozaic với đá mang đến từ Italia. Trên tường, xen giữa các cửa đi là những tấm gương lớn. Các đèn treo, đèn chùm pha lê cùng bàn ghế mang phong cách cổ điển Pháp.

Phòng khán giả hình móng ngựa với kích thước 24x24m có sức chứa 870 chỗ ngồi với 3 tầng, trong đó có những chỗ ngồi dành cho khách VIP được bố trí trong các phòng nhỏ (loge).

Khán phòng được thiết kế cầu kỳ với những hàng cột thức Corinth và mái vòm tràn đầy màu sắc bởi những bức bích họa, xen kẽ những hình đắp nổi cùng một đèn chùm pha lê dát vàng.

Trung tâm của khán phòng là sân khấu lớn phía sau có các phòng tập, phòng hoá trang, phòng quản trị, phòng họp.

Sự hoà trộn đầy màu sắc của các phong cách khác nhau ở Nhà hát Lớn Hà Nội đem lại cho chúng ta ấn tượng về một công trình kiến trúc Tân cổ điển kiểu chiết trung với những giá trị không chỉ về mặt kiến trúc mà còn về nghệ thuật trang trí và có thể coi đây là nhà hát đẹp bậc nhất trên toàn lãnh thổ thuộc địa Pháp thời bấy giờ.

  • Chú thích: (*) Khu Nhượng địa (Concession) có diện tích hơn 18 ha từ khu vực Bảo tàng Lịch sử đến Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay.

ThS.KTS Trần Quốc Bảo

Tham khảo: ashui.com

Ủng hộ tác giả

Cảm ơn bạn đã đồng hành!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Blog kiến trúc sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Chúc bạn một ngày vui vẻ! ĐỒNG Ý

DMCA.com Protection Status