Danh mục
1. Phong Cách ZEN Trong Thiết Kế:
“ZEN” là phong cách thiết kế hướng đến sự đơn giản, tinh khiết, kết nối hài hoà con người với thiên nhiên. Phong cách thiết kế “ZEN” mô phỏng lại cái hồn, cái tinh tuý nhất của tự nhiên, sự kết hợp hài hoà hiện hữu của không gian, con người, đất trời, cây cối, chất liệu,… Mọi thứ tồn tại hiện hữu trong không gian mang đến sự tĩnh lặng, thu hút sự khám phá.
“ZEN” mang đến một không gian giúp con người giải toả những căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống bận rộn.
2. Đặc Điểm Phong Cách Thiết Kế ZEN
Chất liệu: thô mộc, đề cao sự tinh khiết, nét đẹp tự nhiên của vật liệu. Các chất liệu thường được dùng là gỗ, đá tự nhiên, sỏi, mây, tre,…
Màu sắc: sử dung các gam màu nhẹ nhàng như xanh da trời, xanh nước biển, vàng kem, trắng đen,nâu sẫm,…
Ánh sáng: Zen được biết đến với các không gian mà ở đó “màu sắc pha trộn bóng tối” ánh sáng được sử dụng một cách gián tiếp hay dùng ánh sáng của đèn lồng để tạo cảm giác trầm tĩnh.
Cách kết nối không gian: tạo ra một dòng chảy của sự tĩnh lặng, các không gian liên thông với nhau một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng. Các không gian được ngăn cách với nhau một cách khéo léo hoà quyện cùng với thiên nhiên.
3. ZEN-Trong Thiết Kế Cảnh Quan:
Một khu vườn Nhật cơ bản thường bao gồm các yếu tố: hồ nước, đá, cây và những thực vật nhỏ hơn.
Theo những nghệ nhân làm vườn, khu vườn là một thế giới tự nhiên thu nhỏ thể hiện được mối liên hệ giữa con người đối với tự nhiên.
Phong cách thiết kế khu vườn Nhật Bản có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu nhất vẫn là 3 phong cách truyền thống: Karesansui, Chaniwa và Tsukiyama.
Chaniwa (茶庭), được ghép từ chữ Trà (Cha – 茶) và chữ Viên (Niwa –庭 ), dịch nghĩa ra sẽ là Vườn Trà. Khu vườn là một phần quan trọng của nghi lễ thưởng trà (Chanoyu) của người Nhật, bạn sẽ phải vào Trà thất (Chashitsu), và Trà thất được đặt nằm trong Vườn Trà (Chaniwa).
Để vào được Trà Thất bạn phải băng qua những con đường hẹp được lát đá cẩn thận. Con đường này gọi là nobedan, và những bậc đá đó được gọi là tobi-ishi, hoặc nori-no-ishi.
Trong những bậc đá ấy, có 3 bậc đá có tên riêng:
- Yaku ishi – hòn đá lớn nhô lên nhằm nhấn mạnh khung cảnh nổi bật của khu vườn
- fumi ishi – hòn đá cuối cùng để khách bước lên vào Trà thất
- fumiwake ishi – cao hơn và to hơn những hòn đá khác thường đặt ở chỗ giao nhau của đường đi
Có rất nhiều cách sắp xếp tobi-ishi:
- chokuuchi – xếp theo đường thẳng từng hòn một
- niren’uchi – mỗi một bậc đá gồm 2 hòn đá xếp ngang nhau
- sanren’uchi – hàng 3 hòn đá
- goren’uchi – hàng 5 hòn đá
- shichi-go-san – hàng xếp theo kiểu 7-5-3
- shisankuzushi – hàng 3-4 theo kiểu zic zắc
- chidorigake – hàng xếp xen kẽ kiểu zic zắc
- gankouuchi – xếp theo hình đàn ngỗng bay
- konohauchi – kiểu “lá vàng rơi”
- tanzakuuchi – xếp hình chữ nhật.
Ngoài nobedan, Chaniwa còn có thêm những đặc trưng khác, đó là tourou – đèn đá, koshikake machiai – nơi dừng chân có ghế băng dài để ngồi chờ, sunasetchin – khu vệ sinh, tsukubai – bể nước bằng đá để cho khách rửa tay trước khi bước vào Trà thất, và nakakuguri – cổng nhỏ để bước vào vườn (còn gọi là Chuumon).
Một nghi thức bắt buộc dành cho khách thưởng trà trước khi bước vào Trà thất, đó chính là phải thanh tẩy cơ thể. Nơi để thanh tẩy chính là bể nước bằng đá tsukubai Vì tsukubai là một bể nước thấp, nên khách phải cúi người thậm chí là quỳ xuống để rửa tay. Như thế để chứng tỏ sự khiêm tốn và nhún nhường của mình khi thưởng trà.
Tsukiyama (築山), nghĩa là “hòn non bộ” hay còn được gọi là Vườn Đồi. Vườn Đồi được thiết kế để mang lại ấn tượng về một vùng đất rộng lớn. Đặc trưng của khu vườn kiểu này là những ngọn đồi, dòng suối, con thác nhỏ, những ao hồ trong veo, bên cạnh là cây cầu bắc ngang, điểm vào đó những bụi cây, bông hoa, những con đường nhỏ quanh co. Tsukiyama là khu vườn được thiết kế mô phỏng theo thế giới thiên nhiên chỉ bằng những yếu tố cơ bản của tự nhiên.
Vườn Đồi được thiết kế chủ yếu dựa trên yếu tố Đồi núi và những đường viền quanh chân đồi, đây là kiểu thiết kế phổ biến nhất. Ngoài ra, những yếu tố như suối, ao hồ, bụi cây hay cây nhỏ các loại sẽ được dùng để làm nổi bật lên yếu tố chủ đạo đó.
Có một cây đặc biệt được trồng ở trên trước mặt ngọn đồi, đóng vai trò trung tâm của khu vườn – gọi là Shuboku (cây chủ), và cây đó có thể là cây thông (matsu) hoặc cây sồi, thỉnh thoảng người ta cũng dùng cây sakura hoặc liễu để làm Shuboku
Bên cạnh Shuboku, cần chú ý thêm một điểm nữa là Hashibasami no ishi – những hòn đá xếp dưới chân cầu với ý nghĩa tương trợ và tượng trưng cho sức mạnh.
Một số Vườn Đồi còn được bố trí 2 linh vật rùa và hạc, được xếp ở 2 hòn đảo riêng biệt. Vì theo thần thoại Nhật Bản, rùa và hạc là 2 linh vật biểu trưng cho sự trường thọ và cuộc sống hạnh phúc. Nếu 2 linh vật ấy đứng cùng nhau trong khu vườn, thì chúng sẽ mang lại hạnh phúc và sự trường sinh cho gia chủ