Thiết kế không gian kiến trúc trường học theo triết lý Montessori

0 Bình luận 299 Lượt xem Donate

Phương pháp giáo dục Montessori

Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Maria Montessori (1870-1952); Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc tự học làm nền tảng. Montessori chú trọng khai thác tiềm năng sẵn có, không áp đặt trẻ, giáo viên đóng vai trò là người quan sát đưa ra gợi ý và hỗ trợ.

Nguyên tắc thiết kế chung

  • Trong phương pháp giáo dục Montessori lấy trẻ là yếu tố cốt lõi, từ đó đưa ra các thiết kế phù hợp.
  • Các không gian có sự linh hoạt và thú vị để kích thích sự tò mò, khám phá của trẻ.
  • Trẻ em học hỏi phát triển kỹ năng thông qua các hoạt động giao tiếp với thế giới xung quanh qua các giác quan: nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, ngửi thấy,…
  • Trẻ có thể tự lập làm mọi việc mà không cần tới sự trợ giúp của người lớn, nhưng các thiết kế phải đảm bảo tính an toàn tuyệt đối.

Thiết kế không gian

Không gian chào đón

Là nơi chuyển tiếp giữa không gian bên ngoài và bên trong; Nơi tập trung chào đón các em tới trường.

Không gian chào đón thường kết hợp với cảnh quan, mái che mưa che nắng tiếp cận với sảnh chính của các phòng học. Ngoài chức năng đón trả học sinh, không gian này cũng là một yếu tố của sân vườn cảnh quan ngoài nhà.

Không gian học tập

Không gian học tập trong phương pháp Montessori thích ứng theo cách trẻ em hoạt động và học tập; Các em có thể học trên sàn nhà, ngồi đọc sách trên cầu thang, chui vào một hốc cửa,… Thiết kế không gian lớp học cần đủ rộng rãi và đa dụng thích hợp với nhiều cách sử dụng khác nhau.

Montessori mục đích không phải tạo ra một môi trường yên tĩnh mà là tạo ra một bầu không khí vui vẻ, nhộn nhịp. Thiết kế cần lựa chọn vật liệu, tính toán âm vang hợp lý; Ngoài ra cần lưu ý đến âm thanh từ các công trình lân cận và từ đường giao thông ảnh hưởng tới không gian của ngôi trường.

Các học liệu mở được bố trí ở khắp mọi nơi đan xen các hoạt động trải nghiệm, mang lại sự hiểu biết thông qua quá trình khám phá; Trẻ không chỉ sử dụng tài liệu trong hoạt động trải nghiệm mà còn sử dụng trong quá trình học tập, làm bài để thúc đẩy sự độc lập tự giải quyết vấn đề ở trẻ.

Ánh sáng và gió là 2 yếu tố rất quan trọng của trường học. Thiết kế kiến trúc cần sử dụng tối đa được lợi ích mà 2 yếu tố này mang lại để tạo vi khi hậu cho không gian; Ngoài ra cần có các giải pháp kiến trúc che chắn nắng nóng và gió bão hợp lý.

Ngoài ánh sáng tự nhiên cũng cần bổ sung ánh sáng nhân tạo tại các không gian bất lợi về lấy sáng tự nhiên, để đáp ứng hệ số chiếu sáng phù hợp cho chức năng.

Không gian vệ sinh

Khu vệ sinh phải đáp ứng đủ dựa trên tổng số học sinh của trường; Khu vệ sinh cần phải có sự riêng tư và thiết kế có thể sử dụng độc lập từng thiết bị trong cùng một thời điểm, nhưng phải đảm bảo giáo viên có thể quan sát được các em để đảm bảo an toàn; Thiết bị vệ sinh cần sử dụng các loại phù hợp với trẻ em. Khu vệ sinh cần được tiếp cận dễ dàng từ các lớp học.

Bố trí khu vệ sinh tại những vị trí bất lợi về nắng nóng cũng là một giải pháp thường được sử dụng để tăng tiện nghi vi khi hậu cho không gian phòng học và không gian khác.

Không gian chuyển tiếp

Không gian chuyển tiếp giữa bên trong và bên ngoài lớp học, chẳng hạn như hành lang, hiên chơi, sân chơi; Là không gian góp phần tăng tiện nghi vi khí hậu cho công trình, che chắn nắng nóng, đón gió mát; Không gian chuyển tiếp cũng là nơi vui chơi, tương tác với các bạn học, tương tác với thiên nhiên.

Không gian tập trung

Trong ngôi trường Montessori, không gian biểu diễn tập trung đông người không phải là một không gian cố định; Vì nó chỉ được sử dụng vào các sự kiện đặc biệt trong năm, nên không gian biểu diễn thường được tích hợp với các không gian khác.

Không gian thiên nhiên

Thiên nhiên là một phần rất quan trọng trong giáo dục theo phương pháp Montessori. Các khu vườn trồng cây xanh và nuôi động vật được bố trí đan xen với sân vườn, tạo ra cơ hội để trẻ tiếp xúc, trải nghiệm, học hỏi, quan sát, chăm sóc từ đó hình thành nên thái độ tích cực ở trẻ.

Yếu tố linh hoạt

Không gian trong ngôi trường Montessori cần phải đạt được tính linh hoạt và đa dụng; Nên việc sắp đặt đồ nội thất cũng dựa trên tinh thần đó; Đồ nội thất sẽ được sắp đặt rất ngẫu nhiên theo cách mà các con muốn.

Đồ nội thất sẽ có kích thước và độ nặng phù hợp để các con có thể sử dụng, di chuyển mà không cần sự giúp đỡ. Khả năng linh hoạt như có thể xếp chồng hoặc thu gọn khi cần một không gian để thực hiện các hoạt động học tập cần diện tích lớn.

Yếu tố an toàn

Các thiết kế cần lưu ý tới kích thước sử dụng phù hợp với trẻ em như chiều cao tay vịn lan can, tay nắm cửa, chiều cao thiết bị vệ sinh, kích thước bàn ghế,… Chi tiết hơn là hướng tới sự an toàn như khe hở lan can, các vị trí góc vuông của tường,…; Montessori đề cao sự tự chủ của trẻ mà vẫn đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Tham khảo: montessori-architecture.org

Ủng hộ tác giả

Cảm ơn bạn đã đồng hành!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Blog kiến trúc sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm của bạn. Chúc bạn một ngày vui vẻ! ĐỒNG Ý

DMCA.com Protection Status